Khái lược Thập bát La hán

Một bức họa vẽ hình tượng La hán Asita thời nhà Thanh. Góc trên bên phải là lời đề được cho là của hoàng đế Càn Long.

Trong kinh điển Phật giáo sơ kỳ, trong một số kinh văn có ghi chép lại lớn tán dương của Thích-ca Mâu-ni về một số đệ tử Thanh văn nổi bật những khía cạnh vượt trội. Một số được công nhận đã đắc quả vị A-la-hán. Sau khi Phật nhập diệt, số lượng A-la-hán được ghi nhận trong Đại hội kết tập lần thứ nhất là 500 người, nhưng chỉ có vài vị chủ chốt được nhắc tên, vẫn thể hiện vai trò bình đẳng trong Tăng đoàn.

Danh vị của 4 vị La hán cao đệ được nhắc đến đầu tiên qua các kinh văn Đại thừa, gồm Pindola, Kundadhana, Panthaka và Nakula, tương truyền được Phật di chúc truyền bá đạo pháp trong nhân gian, trong khi chờ đợi sự ra đời của Di lặc.[1] Sự xuất hiện sớm nhất của các vị La hán tại Trung Quốc có thể từ thế kỷ IV,[2] chủ yếu tập trung vào Pindola, người đã được mô tả trong sách Thỉnh Tân-đầu-lư pháp (請賓度羅法).

Về sau, số lượng La hán tăng dần lên 16, bao gồm cả nhân vật có thật và hư cấu, và được biết đến qua tác phẩm Nandimitrāvadāna (法住記, Pháp trụ ký) của Đại sư người Sri Lanka Nandimitra, được dịch bởi pháp sư Huyền Trang sang chữ Hán, nhờ đó danh tự của 16 vị La hán được ghi nhận. Vì một số lý do nào đó, tên của một trong những vị La hán đầu tiên, Kundadhana đã không còn xuất hiện trong danh sách này.[3]

Vào khoảng thời kỳ cuối Đường mạt và đầu Ngũ đại Thập quốc, thêm 2 vị La hán nữa được thêm vào danh sách này để tăng lên thành 18 vị.[4] Do điều này, hình tượng 18 La hán phổ biến tại Trung Quốc, ảnh hưởng đến cả Việt Nam, có nhiều dị bản. Ở Nhật BảnTây Tạng, vẫn tiếp tục phối vị 16 La hán.